Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Sáng ngày 15/9/2022, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, một số doanh nghiệp. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe Văn phòng Chính phủ Báo cáo tình hình công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025; xem video giới thiệu một số công cụ thúc đẩy cải cách, giám sát việc thực thi và phục vụ chỉ đạo, điều hành. Theo báo cáo, từ năm 2021 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đây là công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, nơi tập trung thông tin, dữ liệu các quy định kinh doanh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, theo dõi, đánh giá và là kênh tương tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp, người dân trong tham vấn chính sách, quy định. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 699 TTHC, để thực hiện việc phân cấp, các bộ, ngành sẽ phải trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 232 văn bản pháp luật. Hiện nay, cả nước có tổng số 11.700 Bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh. Số TTHC đưa ra thực hiện tại Bộ phận Một cửa các cấp đạt trung bình 96,9 %. Cổng Dịch vụ công quốc gia được khai trương và đưa vào vận hành, đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đã có hơn 2,8 triệu tài khoản đăng ký; hơn 4,78 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia. Báo cáo điện tử được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai và đưa vào vận hành hệ thống thông tin báo cáo để hình thành nguồn thông tin, dữ liệu số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống Thông tin báo cáo Chính phủ. Các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số và phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội doanh nghiệp đã thảo luận, tham luận chuyên đề về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định và đánh giá cao những kết quả trong triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chính phủ xác định cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đổi mới tư duy, cách chỉ đạo điều hành mạnh mẽ hơn nữa trong cải cách hành chính; phát huy tính chủ động sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho cải cách hành chính lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực, lấy sự hài lòng của người dân đánh giá hiệu quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính. Hiện đại hóa công tác chỉ điều hành, bám sát thực tiễn, khó khăn, vướng mắc của người dân để chỉ đạo điều hành cho phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm khâu trung gian trong giải quyết các thủ tục hành chính nội bộ; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính nâng cao vai trò của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, sử dụng dữ liệu thông tin chia sẻ dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hỗ trợ thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa ở vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng các dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu; thực hiện ký số, tích hợp chia sẻ dữ liệu thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương./.