21:11 ICT Thứ ba, 30/05/2023

Giới thiệu

Liên kết Website

Video

Số lượt truy câp

1 Đang truy cập : 6

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 4


2 Hôm nay : 3938

chân váy Tháng hiện tại : 169950

ao vest nu Tổng lượt truy cập : 11799852

Trang nhất » Tin Tức » Thông tin đối ngoại

chuyển đổi số
Phan anh kien nghi TTHC
Dịch vụ công
Link Đường dây nóng

Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Thứ hai - 20/04/2020 08:58
 
CÔNG ƯỚC CHỐNG TRA TẤN
VÀ CÁC HÌNH THỨC ĐỐI XỬ HOẶC TRỪNG PHẠT
TÀN BẠO, VÔ NHÂN ĐẠO HOẶC HẠ NHỤC CON NGƯỜI
(Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết số 39/46 ngày 10/12/1984 và được để ngỏ cho các nước tự do ký kết; có hiệu lực từ ngày 26/6/1987 theo quy định tại Điều 27 khoản 1)
 
Các quốc gia thành viên Công ước này,
Xét thấy rằng, theo những nguyên tắc đã được công bố trong Hiến chương của Liên hợp quốc, việc công nhận những quyền bình đẳng và bất khả xâm phạm của tất cả các thành viên trong cộng đồng nhân loại là cơ sở của tự do, công lý và hoà bình trên thế giới,    
Thừa nhận rằng, những quyền đó bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người,
Xét nghĩa vụ của các nhà nước theo Hiến chương, đặc biệt là Điều 55, về thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ toàn diện đối với các quyền và tự do cơ bản của con người,  
Xét quy định tại Điều 5 của Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền và Điều 7 của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, đều quy định rằng không người nào phải chịu tra tấn hoặc bị đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người,
Cũng xét đến Tuyên bố về bảo vệ tất cả con người khỏi sự tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 9/12/1975,
Mong muốn nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người trên toàn thế giới,
Đã nhất trí như sau:
         PHẦN I
Điều 1.
1. Với mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tra tấn” có nghĩa là bất kỳ hành vi cố ý gây ra sự đau đớn hoặc khổ sở đối với một người về thể xác hoặc tinh thần, nhằm những mục đích thu thập thông tin hoặc sự nhận tội từ người đó hoặc một người thứ ba, trừng phạt người đó về một hành vi mà người đó hay người thứ ba đã thực hiện hoặc nghi ngờ đã thực hiện, đe dọa hoặc ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ lý do gì khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi mà sự đau đớn hoặc chịu đựng đó được gây ra bởi hoặc với sự xúi giục hoặc với sự đồng ý hoặc sự chấp thuận của một nhân viên công quyền hoặc người khác đang thực hiện công vụ. Khái niệm này không bao gồm sự đau đớn hoặc khổ sở là kết quả đương nhiên hoặc ngẫu nhiên của các hình phạt hợp pháp.
2. Quy định tại Điều này sẽ không làm phương hại đến các văn kiện quốc tế hoặc pháp luật quốc gia nào có hoặc có thể có những điều khoản có phạm vi áp dụng rộng hơn.
Điều 2.
1. Các quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc những biện pháp hữu hiệu khác để ngăn chặn các hành vi tra tấn trên toàn bộ lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia.
2. Không trường hợp ngoại lệ nào có thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn, kể cả tình trạng chiến tranh hoặc có nguy cơ chiến tranh, sự bất ổn định về chính trị trong nước hoặc các tình trạng khẩn cấp khác.
3. Mệnh lệnh của sĩ quan cao cấp hoặc một cơ quan công quyền cũng không thể được viện dẫn để biện minh cho hành vi tra tấn.
Điều 3.
1. Các quốc gia thành viên không được trục xuất, trao trả hoặc dẫn độ một người cho một quốc gia khác nếu có đủ căn cứ để cho rằng người này có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia đó.
2. Để xác định có hay không tồn tại các căn cứ trên, các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét mọi yếu tố có liên quan, bao gồm cả, tình trạng xâm phạm quyền con người một cách trắng trợn, thô bạo, thường xuyên hoặc trên diện rộng ở quốc gia có liên quan, nếu có thể.
Điều 4.
1. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng mọi hành vi tra tấn đều là tội phạm theo pháp luật hình sự của nước đó. Quy định này cũng phải áp dụng đối với những hành vi chuẩn bị thực hiện việc tra tấn và hành vi đồng phạm hoặc tham gia vào việc tra tấn.
2. Các quốc gia thành viên phải trừng trị những tội phạm này bằng những hình phạt thích đáng tương ứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi.
Điều 5.
1. Mỗi quốc gia thành viên phải thực hiện những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những tội phạm quy định tại Điều 4 trong những trường hợp sau đây:
a) Khi tội phạm được thực hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia hoặc trên tàu bay hoặc tàu thuyền đã đăng ký ở quốc gia đó;
b) Khi người bị tình nghi phạm tội là công dân của quốc gia đó;
c) Khi nạn nhân là công dân của quốc gia đó nếu quốc gia đó thấy phù hợp.
2. Mỗi quốc gia thành viên cũng phải thực hiện những biện pháp cần thiết để thiết lập quyền tài phán của mình đối với những tội phạm nêu trên trong trường hợp người bị tình nghi phạm tội đang có mặt trên bất cứ vùng lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán của quốc gia và không thực hiện việc dẫn độ người này theo quy định tại Điều 8 đến bất kỳ quốc gia nào được quy định trong khoản 1 của Điều này.
3. Công ước này không loại trừ các quyền tài phán hình sự được thực thi/áp dụng theo pháp luật quốc gia.
Điều 6.
1. Khi người bị tình nghi thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4 có mặt trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, sau khi kiểm tra thông tin về vụ việc và xét thấy cần thiết, quốc gia thành viên đó phải bắt giữ hoặc thực hiện những biện pháp hợp pháp khác cần thiết để đảm bảo sự có mặt của người này. Việc bắt giữ và các biện pháp hợp pháp khác phải tuân thủ pháp luật của quốc gia đó nhưng chỉ được thực hiện trong thời hạn cần thiết để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ.
2. Quốc gia đó phải tiến hành ngay hoạt động điều tra sơ bộ về sự việc.
3. Người bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều này phải được hỗ trợ để liên hệ ngay với người đại diện thích hợp gần nhất của quốc gia mà người đó là công dân, hoặc trong trường hợp người đó là người không quốc tịch thì liên hệ với đại diện của quốc gia mà người đó thường trú.
4. Khi quốc gia thành viên bắt giữ một người theo quy định của Điều này thì phải thông báo ngay cho các quốc gia liên quan quy định tại khoản 1 Điều 5 về việc bắt giữ cũng như những căn cứ của việc bắt giữ đó. Quốc gia thành viên đã tiến hành điều tra sơ bộ theo quy định tại khoản 2 Điều này phải thông báo ngay kết quả điều tra cho các quốc gia đã nêu trên và xác định rõ việc quốc gia đó có dự định thực thi quyền tài phán hay không.
Điều 7.
1. Quốc gia thành viên phát hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia một người bị tình nghi đã thực hiện tội phạm quy định tại Điều 4, sẽ theo những trường hợp quy định tại Điều 5, nếu không dẫn độ người đó, phải chuyển vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để truy tố.
2. Các cơ quan có thẩm quyền phải ra các quyết định với cùng cách thức như trong vụ án phạm tội thông thường có tính chất nghiêm trọng theo pháp luật quốc gia. Đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5, yêu cầu về các chứng cứ cần thiết cho việc truy tố và kết án cũng phải chặt chẽ như với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5.
3. Những người có liên quan đến bất kỳ tội phạm nào được quy định tại Điều 4 phải được đảm bảo đối xử công bằng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tiến hành tố tụng.
Điều 8.
1. Những tội phạm được quy định tại Điều 4 phải được coi là những tội phạm có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ đã được ký kết giữa các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên cam kết quy định những tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ trong các hiệp định về dẫn độ sẽ được ký kết.
2. Nếu một quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ trên cơ sở điều ước quốc tế nhận được yêu cầu dẫn độ của một quốc gia thành viên khác mà giữa hai quốc gia không có hiệp định về dẫn độ thì có thể coi Công ước này là cơ sở pháp lý để dẫn độ đối với các tội phạm đó. Việc dẫn độ phải tuân thủ các điều kiện khác do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định.
3. Các quốc gia thành viên thực hiện dẫn độ không trên cơ sở điều ước quốc tế phải công nhận các tội phạm này là tội phạm có thể bị dẫn độ và tuân theo những điều kiện do pháp luật của quốc gia được yêu cầu quy định. 
4. Vì mục đích dẫn độ giữa các quốc gia thành viên, các tội phạm này sẽ bị xử lý như là chúng được thực hiện không những tại nơi xảy ra tội phạm mà còn tại lãnh thổ của các quốc gia được yêu cầu thiết lập quyền tài phán theo khoản 1 Điều 5.     
Điều 9.
1. Các quốc gia thành viên phải hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong quá trình tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự đối với các tội phạm quy định tại Điều 4, kể cả việc cung cấp tất cả những chứng cứ cần thiết cho hoạt động tố tụng đã được quốc gia phát hiện.
2. Các quốc gia thành viên sẽ thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 1 của Điều này phù hợp với các hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa các quốc gia.
Điều 10.
1. Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng việc nghiêm cấm hành vi tra tấn phải được phổ biến và tuyên truyền đầy đủ trong các chương trình đào tạo nhân viên thực thi pháp luật, dân sự hoặc vũ trang, nhân viên y tế, các công chức và những người khác có thể liên quan đến việc bắt giữ, thẩm vấn hay xử lý đối với các cá nhân chịu bất cứ hình thức bắt, giam giữ hoặc phạt tù nào.
2. Mỗi quốc gia thành viên phải đưa lệnh cấm này vào các quy tắc hoặc hướng dẫn về chức năng và nhiệm vụ của những người nêu trên.
Điều 11.
Nhằm ngăn chặn các hành vi tra tấn, mỗi quốc gia thành viên phải quy định một cách có hệ thống những nguyên tắc, chỉ thị, phương pháp và thông lệ cũng như việc bố trí giam giữ và đối xử với những người bị bắt, tạm giữ, tạm giam hay phạt tù trong lãnh thổ thuộc thẩm quyền tài phán quốc gia.
Điều 12.
Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành điều tra kịp thời và công bằng khi có căn cứ xác đáng để tin rằng hành vi tra tấn đã được thực hiện trên lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia.
Điều 13.
Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên bất cứ vùng lãnh thổ thuộc phạm vi quyền tài phán quốc gia đó đều có quyền khiếu nại và các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét một cách kịp thời và công bằng khiếu nại đó. Đồng thời phải thực hiện các biện pháp đảm bảo cho người khiếu nại và các nhân chứng được bảo vệ khỏi sự ngược đãi hoặc đe doạ do việc khiếu nại hoặc cung cấp chứng cứ.
Điều 14.
1. Quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng trong hệ thống luật pháp quốc gia nạn nhân của mọi hành vi tra tấn được bồi thường và có quyền yêu cầu bồi thường tương xứng và công bằng, bao gồm cả những biện pháp để được phục hồi hoàn toàn ở mức tối đa có thể. Trong trường hợp nạn nhân bị chết do hành động tra tấn, những người phụ thuộc của nạn nhân phải được quyền nhận bồi thường.
2. Quy định tại Điều này không ảnh hưởng đến quyền được bồi thường của nạn nhân hoặc của những người khác theo quy định của pháp luật quốc gia.
Điều 15.
Quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng những lời khai được xác định là kết quả của hành vi tra tấn sẽ không được sử dụng làm chứng cứ trong quá trình tố tụng, trừ trường hợp lời khai đó được sử dụng làm bằng chứng để chống lại người bị cáo buộc đã có hành vi tra tấn.
Điều 16.
1. Quốc gia thành viên phải tiến hành ngăn chặn trong phạm vi lãnh thổ thuộc quyền tài phán quốc gia các hành vi đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác chưa đến mức bị coi là tra tấn theo khái niệm quy định tại Điều 1, do một công chức hay một người đang tiến hành công vụ thực hiện hoặc xúi giục hoặc đồng ý hoặc chấp thuận cho thực hiện. Cụ thể là những nghĩa vụ được quy định tại các điều 10, 11, 12 và 13 sẽ được áp dụng đối với các hành vi tương tự như tra tấn hoặc các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người khác.
2. Các quy định của Công ước này không làm ảnh hưởng đến các quy định về cấm các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người hoặc có liên quan đến dẫn độ hay trục xuất trong văn kiện quốc tế khác hoặc pháp luật quốc gia.
PHẦN II
Điều 17.
1. Uỷ ban chống tra tấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban) sẽ được thành lập để thực hiện những nhiệm vụ và chức năng được quy định dưới đây. Uỷ ban bao gồm mười chuyên gia có phẩm chất đạo đức tốt và có năng lực trong lĩnh vực nhân quyền, là những người sẽ phục vụ trong khả năng của họ. Các chuyên gia này sẽ được các quốc gia thành viên lựa chọn, trên cơ sở đảm bảo tính cân đối giữa các khu vực địa lý và sự tham gia hữu ích của những người có kinh nghiệm pháp lý.
2. Các thành viên của Uỷ ban sẽ được bầu chọn bằng hình thức bỏ phiếu kín từ danh sách do các quốc gia thành viên đề cử. Mỗi quốc gia thành viên được đề cử một công dân của mình. Các quốc gia thành viên cần lưu ý đến tính hữu ích của việc đề cử những người đồng thời là thành viên của Uỷ ban Nhân quyền được thành lập theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và có nguyện vọng làm việc trong Uỷ ban chống tra tấn.
3. Việc bầu chọn thành viên của Uỷ ban được tiến hành tại hội nghị thường kỳ 2 năm một lần của các quốc gia thành viên do Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập. Hội nghị chỉ được tiến hành nếu có hai phần ba số quốc gia thành viên tham dự, những người được bầu vào Uỷ ban là những người đạt số phiếu cao nhất và đạt đa số tuyệt đối số phiếu bầu của đại diện các quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.
4. Lần bầu chọn đầu tiên sẽ được tổ chức trong vòng sáu tháng sau ngày Công ước này có hiệu lực. Tối thiểu bốn tháng trước ngày bầu chọn, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ gửi thư đề nghị các quốc gia thành viên gửi các đề cử của mình trong thời hạn ba tháng. Tổng thư ký sẽ lập danh sách tất cả những người được đề cử theo thứ tự Bảng chữ cái, có ghi rõ quốc gia thành viên đã đề cử và gửi danh sách đó cho các quốc gia thành viên.
5. Những thành viên của Uỷ ban sẽ được bầu chọn trong một nhiệm kỳ bốn năm. Họ có thể được bầu lại nếu như được tái đề cử. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của năm thành viên được bầu chọn trong lần bầu chọn đầu tiên sẽ kết thúc vào cuối năm thứ hai; ngay sau lần bầu chọn đầu tiên, tên của năm thành viên này sẽ được chọn bằng cách rút thăm bởi Chủ tịch của hội nghị theo quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Nếu một thành viên của Uỷ ban bị chết hoặc từ chức hoặc do một nguyên nhân khác không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong Uỷ ban thì quốc gia thành viên đã đề cử người đó phải cử một chuyên gia khác là công dân của mình để tiếp tục công việc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của thành viên đó và người này phải được sự chấp thuận của đa số các quốc gia thành viên. Việc đề cử sẽ được coi là được thông qua nếu trong vòng sáu tuần sau khi được Tổng thư ký Liên hợp quốc thông báo về việc đề cử, một nửa hoặc hơn một nửa số quốc gia thành viên không phản đối.
7. Quốc gia thành viên phải chịu chi phí cho hoạt động của các thành viên của Uỷ ban trong khi thực hiện nhiệm vụ của Uỷ ban.
Điều 18.
1. Uỷ ban bầu nhân sự của mình theo nhiệm kỳ 2 năm. Các nhân sự của Ủy ban có thể được bầu lại.
2. Uỷ ban sẽ soạn thảo các quy chế hoạt động của mình, nhưng các quy chế này phải bao gồm các nội dung sau:
a) Ủy ban chỉ họp khi có mặt ít nhất sáu thành viên;
b) Các quyết định của Uỷ ban được thông qua bằng đa số phiếu của các thành viên có mặt.
3. Tổng thư ký Liên hợp quốc bảo đảm về nhân sự và trang thiết bị cần thiết để Ủy ban thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ theo Công ước này.
4. Tổng thư ký Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp trù bị của Uỷ ban. Sau cuộc họp trù bị này, Uỷ ban sẽ họp theo quy định của quy chế hoạt động.
5. Các quốc gia thành viên phải chịu mọi chi phí liên quan đến việc tổ chức các cuộc họp giữa các quốc gia thành viên và của Uỷ ban, như các chi phí nhân sự và trang thiết bị làm việc mà Liên hợp quốc đã chi trả theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Điều 19.
1. Các quốc gia thành viên phải gửi báo cáo về các biện pháp đã tiến hành để thực hiện những nghĩa vụ cam kết theo Công ước cho Uỷ ban thông qua Tổng thư ký Liên hợp quốc trong thời hạn một năm sau ngày Công ước có hiệu lực với quốc gia thành viên đó. Sau đó, cứ bốn năm một lần, các quốc gia thành viên phải nộp báo cáo bổ sung về những biện pháp mới được tiến hành cũng như các báo cáo khác theo yêu cầu của Uỷ ban.
2. Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ chuyển các báo cáo nêu trên tới tất cả các quốc gia thành viên.
3. Uỷ ban xem xét, đưa ra bình luận và gợi ý đối với mỗi báo cáo và nếu Ủy ban thấy phù hợp sẽ chuyển những nhận xét này tới quốc gia thành viên liên quan. Quốc gia thành viên có thể phản hồi Ủy ban về bất cứ nhận xét nào.
4. Uỷ ban có thể quyết định việc đưa những nhận xét theo quy định tại khoản 3 Điều này cùng với những phản hồi nhận được từ các quốc gia thành viên liên quan vào báo cáo hàng năm của Ủy ban theo quy định tại Điều 24. Nếu quốc gia thành viên liên quan đề nghị, Uỷ ban có thể kèm theo một bản sao báo cáo được nộp theo quy định tại khoản 1 của Điều này.
Điều 20.
1. Trong trường hợp nhận được thông tin đáng tin cậy chứa đựng những căn cứ xác đáng cho thấy hành vi tra tấn đang được thực hiện một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, Uỷ ban sẽ yêu cầu quốc gia đó hợp tác để kiểm tra thông tin cũng như gửi Ủy ban ý kiến đánh giá/bình luận về các thông tin đó.
2. Căn cứ vào ý kiến đánh giá của quốc gia thành viên liên quan cũng như những thông tin khác có được, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban có thể chỉ định một hay nhiều thành viên của Ủy ban tiến hành điều tra bí mật và khẩn trương báo cáo cho Uỷ ban.
3. Trong trường hợp tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 2 của Điều này, Uỷ ban phải yêu cầu sự hợp tác của quốc gia thành viên liên quan. Với sự đồng ý của quốc gia thành viên đó, việc điều tra có thể bao gồm cả việc thị sát/kiểm tra trên lãnh thổ quốc gia thành viên.
4. Sau khi xem xét kết quả điều tra của một hay nhiều thành viên của Ủy ban đệ trình theo quy định tại khoản 2 Điều này, Uỷ ban sẽ chuyển kết quả điều tra này cho quốc gia thành viên liên quan kèm theo các nhận xét hoặc khuyến nghị phù hợp với tình hình.
5. Các hoạt động của Uỷ ban theo quy định từ khoản 1 đến khoản 4 của Điều này phải được giữ bí mật và có sự hợp tác của quốc gia thành viên có liên quan trong tất cả các giai đoạn. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định tại khoản 2 Điều này và tham vấn quốc gia thành viên liên quan, Uỷ ban có thể quyết định đưa bản tóm tắt về kết quả điều tra vào báo cáo hàng năm của Ủy ban theo quy định tại Điều 24.
Điều 21.
1. Quốc gia thành viên của Công ước này có thể, tại bất kỳ thời điểm nào theo quy định của Điều này, tuyên bố công nhận thẩm quyền của Uỷ ban trong việc tiếp nhận và xem xét các kiến nghị liên quan đến việc một quốc gia thành viên cho rằng quốc gia thành viên khác không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo Công ước này. Những kiến nghị này chỉ có thể được tiếp nhận và xem xét theo trình tự thủ tục quy định tại Điều này nếu được đệ trình bởi một quốc gia thành viên đã tuyên bố công nhận thẩm quyền của Uỷ ban đối với quốc gia đó. Uỷ ban sẽ không giải quyết các kiến nghị theo điều này nếu kiến nghị có liên quan đến một quốc gia thành viên chưa thực hiện tuyên bố nêu trên. Các kiến nghị nhận được theo quy định tại Điều này phải được giải quyết theo trình tự sau:
a) Nếu một quốc gia thành viên cho rằng một quốc gia thành viên khác không thi hành những điều khoản của Công ước này thì có thể khuyến nghị quốc gia thành viên đó bằng văn bản. Trong thời hạn 3 tháng sau khi nhận được văn bản, quốc gia nhận phải gửi cho quốc gia gửi văn bản giải thích hoặc tuyên bố bằng văn bản làm sáng tỏ vấn đề; văn bản này cần bao gồm, trong phạm vi có thể và thích hợp, trích dẫn các thủ tục trong nước và các giải pháp đã, đang thực hiện hoặc giải pháp sẵn có để giải quyết vấn đề;
b) Trong thời hạn 6 tháng sau khi quốc gia nhận được khuyến nghị đầu tiên, nếu vấn đề không được xử lý thỏa đáng theo yêu cầu của hai quốc gia thành viên liên quan, cả hai quốc gia thành viên đều có quyền đệ trình vấn đề này lên Uỷ ban bằng cách gửi văn bản kiến nghị cho Ủy ban và cho quốc gia thành viên kia;
c) Uỷ ban sẽ giải quyết kiến nghị được đệ trình theo quy định tại Điều này chỉ sau khi chắc chắn rằng mọi biện pháp trong nội bộ quốc gia đã được áp dụng mà không giải quyết được vấn đề, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế. Quy định này sẽ không có hiệu lực trong trường hợp việc áp dụng các biện pháp bị kéo dài một cách bất hợp lý hoặc không chắc chắn mang lại giải pháp có hiệu quả cho nạn nhân của sự vi phạm Công ước này;
d) Uỷ ban sẽ tổ chức các cuộc họp kín để xem xét những kiến nghị đệ trình theo quy định tại Điều này;
e) Căn cứ vào những quy định tại điểm (c), Uỷ ban sẽ thực hiện chức năng hỗ trợ, trung gian tạo điều kiện cho các Quốc gia thành viên liên quan đi đến một giải pháp hòa bình để giải quyết vấn đề trên cơ sở tôn trọng những nghĩa vụ trong Công ước này. Để đạt được mục đích nêu trên, trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban có thể thành lập một Uỷ ban hoà giải lâm thời;
f) Đối với bất kỳ vấn đề nào chuyển đến Uỷ ban theo điều này, Ủy ban có thể yêu cầu các quốc gia thành viên liên quan quy định tại điểm (b) cung cấp mọi thông tin có liên quan;
g) Các quốc gia thành viên liên quan theo quy định tại điểm (b) có quyền cử đại diện tham dự khi Uỷ ban xem xét kiến nghị và có quyền nêu ý kiến bằng lời nói hoặc/và bằng văn bản;
h) Trong vòng 12 tháng sau ngày nhận được văn bản kiến nghị theo quy định tại điểm (b), Uỷ ban sẽ ra báo cáo:
i) Nếu đạt được một giải pháp trong phạm vi quy định tại điểm (e), Uỷ ban sẽ ra báo cáo ngắn gọn về các tình tiết của sự việc và giải pháp đạt được;
ii) Nếu không đạt được một giải pháp trong phạm vi quy định tại điểm (e), Uỷ ban sẽ ra báo cáo ngắn gọn về các tình tiết của sự việc; đồng thời đính kèm các văn bản kiến nghị và biên bản ghi lại nội dung ý kiến của các quốc gia thành viên liên quan.
Trong mọi trường hợp, báo cáo này sẽ được gửi cho các quốc gia thành viên liên quan.
2. Các quy định tại Điều này sẽ có hiệu lực khi năm quốc gia thành viên của Công ước có tuyên bố theo quy định tại khoản 1 của Điều này. Những tuyên bố này sẽ được các quốc gia thành viên gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, là người sẽ chuyển các bản sao các tuyên bố cho các quốc gia thành viên khác. Việc rút tuyên bố có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký. Việc rút tuyên bố không làm ảnh hưởng đến việc xem xét các kiến nghị đã được đệ trình trước đó theo quy định tại Điều này; sau khi Tổng thư ký nhận được thông báo rút tuyên bố, Ủy ban sẽ không tiếp nhận các kiến nghị theo quy định tại Điều này của quốc gia thành viên, trừ khi quốc gia thành viên liên quan có tuyên bố mới.
Điều 22.
1. Quốc gia thành viên của Công ước này có thể, tại bất kỳ thời điểm nào theo quy định tại Điều này, tuyên bố công nhận thẩm quyền của Uỷ ban trong việc tiếp nhận và xem xét những kiến nghị cá nhân hay đại diện của những cá nhân thuộc quyền tài phán của quốc gia, về việc họ là nạn nhân của việc một quốc gia thành viên vi phạm các điều khoản của Công ước. Uỷ ban sẽ không tiếp nhận kiến nghị liên quan đến quốc gia thành viên chưa có tuyên bố nêu trên.
2. Uỷ ban sẽ không chấp nhận các kiến nghị theo quy định tại Điều này nếu kiến nghị đó là nặc danh hoặc bị coi là lạm dụng quyền kiến nghị hoặc không phù hợp với các quy định của Công ước này.
3. Ngoại trừ các trường hợp quy định tại khoản 2, Uỷ ban sẽ gửi kiến nghị nhận được theo quy định tại Điều này cho quốc gia thành viên đã có tuyên bố theo quy định tại khoản 1 và bị cáo buộc đang vi phạm các điều khoản của Công ước. Trong vòng 6 tháng, quốc gia thành viên đó phải đệ trình cho Uỷ ban giải thích hay tuyên bố bằng văn bản làm sáng tỏ vấn đề và các giải pháp mà quốc gia đó đã thực hiện, nếu có.
4. Uỷ ban sẽ xem xét các kiến nghị nhận được theo Điều này trên cơ sở tất cả những thông tin mà cá nhân, đại diện của cá nhân hay quốc gia thành viên liên quan cung cấp cho Uỷ ban.
5. Uỷ ban sẽ không xem xét các kiến nghị từ một cá nhân theo quy định tại Điều này nếu không chắc chắn rằng:
a) Vấn đề đó chưa được và hiện tại không được xem xét theo một thủ tục điều tra hoặc giải quyết quốc tế nào.
b) Cá nhân gửi kiến nghị đã sử dụng mọi biện pháp hiện có theo pháp luật quốc gia; quy định này không có hiệu lực trong trường hợp việc áp dụng các giải pháp bị kéo dài một cách bất hợp lý hoặc không chắc chắn mang lại giải pháp hiệu quả cho nạn nhân của các vi phạm Công ước này.
6. Uỷ ban sẽ tổ chức các cuộc họp kín để xem xét những kiến nghị đệ trình theo quy định tại điều này.
7. Uỷ ban sẽ chuyển những ý kiến của mình cho quốc gia thành viên liên quan và cho cá nhân.
8. Các quy định tại Điều này sẽ có hiệu lực khi năm quốc gia thành viên của Công ước có tuyên bố theo quy định tại khoản 1 của Điều này. Những tuyên bố này sẽ được các quốc gia thành viên gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc, là người sẽ chuyển các bản sao các tuyên bố cho các Quốc gia thành viên khác. Việc rút tuyên bố có thể được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký. Việc rút tuyên bố không làm ảnh hưởng đến việc xem xét các kiến nghị đã được đệ trình trước đó theo quy định tại Điều này; sau khi Tổng thư ký nhận được thông báo rút tuyên bố, Ủy ban sẽ không tiếp nhận các kiến nghị theo quy định tại Điều này của cá nhân hay đại diện của những cá nhân, trừ khi quốc gia thành viên liên quan có tuyên bố mới.
Điều 23.
Các thành viên của Uỷ ban và của các Uỷ ban hoà giải lâm thời được bổ nhiệm theo quy định tại điểm (e) khoản 1 Điều 21 sẽ được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ cũng như các điều kiện làm việc như đối với các chuyên gia thực thi nhiệm vụ của Liên hợp quốc theo quy định tại các mục liên quan trong Công ước về ưu đãi và miễn trừ của Liên hợp quốc.
 
Điều 24.
Uỷ ban sẽ gửi báo cáo hàng năm về các hoạt động của mình theo Công ước này cho các quốc gia thành viên và cho Đại hội đồng Liên hợp quốc.
PHẦN III
Điều 25.
1. Công ước này để ngỏ cho tất cả các quốc gia ký kết.
2. Công ước này phải được phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Điều 26.
Mọi quốc gia đều có thể gia nhập Công ước này. Việc gia nhập có hiệu lực khi văn kiện gia nhập được gửi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Điều 27.
1. Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày nộp văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ hai mươi cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
2. Đối với quốc gia phê chuẩn hay gia nhập Công ước này sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ hai mươi được nộp, Công ước sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày nộp văn kiện phê chuẩn hay gia nhập của quốc gia đó.
Điều 28.
1. Tại thời điểm ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này, quốc gia có thể tuyên bố không thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban theo quy định tại Điều 20.
2. Quốc gia thành viên bảo lưu theo quy định tại khoản 1 của Điều này có quyền rút lại bảo lưu tại bất kỳ thời điểm nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Điều 29.
1. Quốc gia thành viên của Công ước này có thể đề nghị sửa đổi Công ước và gửi đề xuất sửa đổi đó cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Tổng thư ký ngay sau đó sẽ gửi đề xuất sửa đổi này tới các quốc gia thành viên và yêu cầu các quốc gia thành viên cho ý kiến về việc có hay không ủng hộ việc triệu tập hội nghị các quốc gia thành viên để xem xét và bỏ phiếu thông qua đề nghị. Trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày gửi đề nghị, nếu có ít nhất một phần ba số quốc gia thành viên tán thành, Tổng thư ký sẽ triệu tập hội nghị dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Đề xuất sửa đổi được đa số các quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu thông qua tại hội nghị sẽ được Tổng thư ký gửi tới tất cả các quốc gia thành viên để chấp thuận.
2. Sửa đổi được thông qua theo quy định tại khoản 1 Điều này sẽ có hiệu lực khi hai phần ba số quốc gia thành viên của Công ước thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc chấp thuận sửa đổi theo quy trình hợp pháp của quốc gia.
3. Khi các sửa đổi có hiệu lực, sẽ có giá trị ràng buộc đối với những quốc gia thành viên chấp thuận sửa đổi đó, những quốc gia thành viên khác vẫn bị ràng buộc bởi những quy định của Công ước này và những sửa đổi mà họ đã chấp thuận trước đó.
Điều 30.
1. Tranh chấp giữa hai hay nhiều quốc gia thành viên liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước này, nếu không giải quyết được thông qua đàm phán thì một trong các bên có quyền yêu cầu trọng tài phân xử. Nếu trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày yêu cầu trọng tài phân xử mà các Bên vẫn không thể thống nhất về việc tổ chức trọng tài thì một trong các Bên có quyền đệ trình tranh chấp ra Toà án Công lý quốc tế bằng một yêu cầu phù hợp với Quy chế của Toà án.
2. Vào thời điểm ký, phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này, quốc gia thành viên có quyền tuyên bố không bị ràng buộc bởi quy định tại khoản 1 của Điều này. Các quốc gia thành viên khác sẽ không bị ràng buộc bởi các quy định tại khoản 1 của Điều này trong quan hệ với các quốc gia thành viên có tuyên bố bảo lưu như trên.
3. Quốc gia thành viên có tuyên bố bảo lưu theo quy định tại khoản 2 của Điều này có quyền rút bảo lưu tại bất kỳ thời điểm nào bằng cách thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Điều 31.
1. Quốc gia thành viên có quyền tuyên bố rút khỏi Công ước này bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Việc rút khỏi Công ước sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký nhận được thông báo.
2. Việc rút khỏi Công ước sẽ không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ theo Công ước này của quốc gia thành viên về hành động hoặc không hành động xảy ra trước ngày tuyên bố có hiệu lực; việc tuyên bố rút khỏi Công ước cũng không ảnh hưởng đến việc tiếp tục xem xét các vấn đề đang được Uỷ ban xem xét trước ngày tuyên bố rút khỏi Công ước có hiệu lực.
3. Sau khi tuyên bố rút khỏi Công ước của một quốc gia thành viên có hiệu lực, Uỷ ban sẽ không xem xét các vấn đề mới liên quan đến quốc gia đó.
Điều 32.
Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ thông báo cho tất cả các thành viên của Liên hợp quốc và tất cả các quốc gia đã ký hoặc gia nhập Công ước này những nội dung sau:
a) Việc ký, phê chuẩn và gia nhập theo quy định tại Điều 25 và Điều 26.
b) Ngày có hiệu lực của Công ước theo quy định tại Điều 27 và của các sửa đổi theo quy định tại Điều 29.
c) Tuyên bố rút khỏi Công ước theo quy định tại Điều 31.
Điều 33.
1. Công ước được lập bằng tiếng Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau và được nộp cho Tổng thư ký Liên hợp quốc.
2. Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ chuyển bản sao có chứng thực của Công ước này cho tất cả các quốc gia.
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin: Cổng thông tin Bộ Tư Pháp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Thông tin giá đất
thông báo giao dịch bảo đảm
Thông báo hủy giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất
Công báo điện tử bắc kan
Xin ý kiến đóng góp Văn bản dự thảo

Link liên kết các đơn vi

Thủ tục hành chính tỉnh Bắc Kạn
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Viện khoa học Địa chất và Khoáng sản
Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường
Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu
Cục Viễn thám quốc gia
Cục Biến đổi khí hâu
Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam
Cục Quản lý tài nguyên nước
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam
Tổng cục Khí tượng thủy văn
Tổng cục Quản lý đất đai
Bộ tài nguyên và môi trường
Cục công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia
Tổng cục địa chất và khoáng sản
Cục đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý Việt Nam
Tổng cục bảo vệ môi trường

Thông tin quy hoạch TN&MT

Thông tin quy hoạch

Bản đồ chính phủ

Bản đồ chính phủ

ISO SỞ TN&MT

phan anh kien nghi
ISO 9001-2015
Chọn lại tệp rồi ấn sửa quản cáo để đăng ảnh mớihttp://tnmt.backan.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=cai-cach-hanh-chinh
Danh mục dữ liệu tài nguyên và môi trường
Logo dự báo thời tiết
HỆ THỐNG THÔNG TIN ĐẤT ĐAI TỈNH BẮC KẠN
Lịch công tác
Giao lưu trực tuyến
Hồ sơ công việc
1 Trang thông tin điện tử Sở Tài nguyên và Môi truờng
Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn cấp ngày 09/02/2021
Trưởng ban biên tập: Ông Hoàng Thanh Oai - Giám đốc Sở 
Địa chỉ: Tổ 1, Phường Phùng Chí Kiên, Thành phố Bắc Kạn, Tỉnh Bắc Kạn 
Điện thoại: 0209.3870539- Fax: 0209.3878902
Email: sotnmt@backan.gov.vn

 



Dong phuc nhom san panel sieu nhe dóc trát tường xử lý nước thải bảo dưỡng lò hơi Máy làm đá vảy máy làm đá sạch All Remedies cáp nhôm bọc xlpe