Bắc Kạn tiếp tục xây dựng chương trình bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước
Thứ tư - 17/10/2012 15:25
Do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường cũng như sự chuyển biến trong nhận thức của một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa của Bắc Kạn còn gặp nhiều hạn chế, tác động không nhỏ đến công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn. Để công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới được thực hiện ngày một tốt hơn, tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra những biên pháp cụ thể, thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức vào hành động của nhân dân.
Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường: thông qua việc phổ biến, quán triệt rộng rãi đến tận người dân các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường...Tăng cường công tác tuyên truyền đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở khai thác chế biến khoáng sản, để giúp các cơ sở nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Xây dựng nhiều mô hình quần chúng tự giác tham gia bảo vệ môi trường và nhân ra diện rộng những điển hình tiên tiến.
Đối với các ngành chức năng phải tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường: Phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức quản lý về bảo vệ môi trường của cấp tỉnh, cấp huyện, xã. Các Sở, Ban, ngành tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường. Hàng năm tổ chức tập huấn các nội dung về bảo vệ môi trường cho chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành trong tỉnh…Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ Môi trường. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp quản lý giữa tỉnh Bắc Kạn với các tỉnh Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang có chung lưu vực sông để bảo vệ tài nguyên nước và bảo vệ môi trường lưu vực sông.
Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường: bằng cách xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ bảo vệ môi trường. Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ môi trường, chú trọng xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, cam kết bảo vệ môi trường, đưa tiêu chí bảo vệ môi trường gắn với gia đình, đơn vị, khối xóm văn hoá; phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm và quản lý các chất thải: Phải tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát ô nhiễm môi trường đến năm 2010; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quản lý chất thải rắn tại các đô thị và khu công nghiệp; Nghị định 59/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn. Triển khai thực hiện Đề án giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn tỉnh.Quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật môi trường tại các vùng đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, có cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở thu gom, xử lý, tái chế chất thải…Phấn đấu đến hết năm 2015 tất cả các huyện, thị xã có cơ sở xử lý rác thải không chôn lấp
Chú trọng bảo vệ môi trường đô thị và vùng nông thôn: Bằng cách thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm tiến tới thu gom và xử lý toàn bộ chất thải bằng các giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các thị xã, thị trấn, thị tứ. Phấn đấu đến năm 2015, đạt chỉ tiêu trên 90% tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh được thu gom, vận chuyển và xử lý. Chỉ tiêu đến năm 2015: 100% dân số, thị xã và 90% dân số nông thôn được dùng nước sạch. Duy trì và triển khai thực hiện tốt các dự án bảo vệ môi trường Vườn Quốc gia Ba Bể; khu bảo tồn Kim Hỷ, Đồng Lạc; dự án 5 triệu ha rừng. .. Yêu cầu các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản chấp hành nghiêm túc các quy định về khai thác khoáng sản, xử lý chất thải, ký quỹ phục hồi môi trường; Thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn đối với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh và thu gom, xử lý đạt 95%...
Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên: bằng cách thực hiện tốt việc quản lý các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, đa dạng sinh học. Khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, khai thác tận thu, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh việc tuyên truyền sử dụng các mẫu hình tiêu thụ tiết kiệm, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch./.
Tác giả bài viết: Thu Cúc