Hệ thống xử lý nước thải hợp khối tại bệnh viện đa khoa tỉnh
Thực hiện Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 22/8/2011 của UBND tỉnh Bắc Kạn về Kế hoạch Bảo vệ môi trường năm 2012 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Chi cục Bảo vệ môi trường Bắc Kạn, Trung tâm Quan trắc môi trường Bắc Kạn thực hiện điều tra thu thập các thông tin về môi trường tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo nhiệm vụ “Điều tra, thống kê tình hình xử lý chất thải y tế phục vụ công tác bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Kạn”
Kết quả điều tra cho thấy, trung bình mỗi ngày các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thải ra khoảng 966,4 kg chất thải rắn và 294,49 m
3 nước thải. Chất thải chủ yếu phát sinh từ các cơ sở y tế tuyến huyện (Chiếm 40,7% tổng lượng chất thải rắn và 41,06% tổng lượng nước thải). Do đa phần có quy mô nhỏ, chủ yếu khám, kê đơn thuốc và sử dụng những thủ thuật đơn giản nên các phòng khám tư nhân có lượng chất thải phát sinh ít nhất (Chiếm 6,7% tổng lượng chất thải rắn và 10,84% tổng lượng nước thải).
Hoạt động xử lý chất thải y tế ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư. Tính đến thời điểm tháng 9/2012, tỉnh Bắc Kạn đã có bệnh viện đa khoa tỉnh, 06 cơ sở y tế tuyến huyện có lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại (Bệnh viện huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Nặm, Bạch Thông, Na Rì, Chợ Mới) và 04 trạm y tế xã có lò đốt chất thải thủ công (Trạm Hà Hiệu, Bành Trạch thuộc huyện Ba Bể, trạm Lãng Ngâm thuộc huyện Ngân Sơn và trạm Quảng Bạch thuộc huyện Chợ Đồn). Các cơ sở còn lại, một số hợp đồng xử lý với các bệnh viện có lò đốt, một số xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp không hợp vệ sinh.
Lò đốt CTR y tế nguy hại tại bệnh viện huyện Pác Nặm
Đối với hoạt động xử lý nước thải y tế: Đã có bệnh viện đa khoa tỉnh và 6/8 bệnh viện tuyến huyện (Trừ bệnh viện huyện Chợ Đồn và huyện Ngân Sơn) được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Các hệ thống xử lý nước thải chủ yếu sử dụng công nghệ hợp khối. Thiết bị xử lý hợp khối có thể cùng một lúc thực hiện đồng thời quá trình xử lý sinh học thiếu khí và hiếu khí, việc này làm tăng mật độ màng vi sinh tối đa mà không gây tắc các lớp đệm, đồng thời thực hiện oxy hóa mạnh và triệt để các chất hữu cơ trong nước thải đảm bảo loại trừ các chất gây ô nhiễm xuống dưới quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường. Các cơ sở còn lại đều chưa có hoặc đang được đầu tư xây dựng, hiện tại nước thải chủ yếu được xử lý thông qua bể phốt hoặc thải trực tiếp ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn thông tin, dữ liệu thống kê về nguồn, chủng loại, tải lượng phát sinh và thực trạng công tác quản lý chất thải là cơ sở thực tiễn giúp các cơ quan chức năng địa phương có thể quản lý tốt hơn các nguồn phát thải, kết hợp với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để dự báo lượng chất thải sẽ phát sinh. Trên cơ sở đó đưa ra được các giải pháp quản lý có chiều sâu và dài hạn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thành phần chất thải y tế có khoảng 10% là chất thải nhiễm khuẩn như bơm kim tiêm, bông băng đã qua sử dụng, ... và khoảng 5% là chất thải gây độc hại như chất phóng xạ, chất gây độc tế bào, ... Đây là những yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lan truyền mầm bệnh từ các cơ sở y tế ra khu vực xung quanh.