Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức hành động và trách nhiệm của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Sở TN&MT đối với công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và định hướng công nghiệp khai thác khoáng sản trong thời gian tới. Thực hiện Kế hoạch số 41/KH-TU ngày 29/11/2011 của Tỉnh uỷ Bắc Kạn v/v triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, sáng ngày 25/12/2011, Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn tổ chức “Hội nghị học tập Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cho toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tại Hội trường Sở.
Dự Hội nghị có đồng chí Trần Nguyên, Bí thư Đảng bộ, Phó Giám đốc Sở TN&MT; đồng chí Ngô Văn Viện, Chủ tịch Công đoàn, Phó Giám đốc Sở; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng bộ, BCH Đảng bộ, các Đảng viên trong Đảng bộ Sở TN&MT và toàn thể cán bộ công chức, viên chức Sở Tài nguyên và Môi trường.
 |
Đồng chí Trần Nguyên trình bày định hướng chiến lược khoáng sản & công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 |
Hội nghị đã nghe những nội dung cơ bản về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do đồng chí Trần Nguyên trình bày. Tài nguyên khoáng sản nước ta là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, phải được điều tra, thăm dò, đánh giá đúng trữ lượng và có chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng hiệu quả, góp phần vào tăng trưởng chung và bền vững của nền kinh tế. Chính vì vậy, mục tiêu phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là: Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành công tác lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 và các diện tích biển ven bờ sâu đến 30m nước; Nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP từ khoảng 10% hiện nay lên 15-20% vào năm 2020 và tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo;
Đối với công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản: Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đạt 90% diện tích phần đất liền, diện tích biển ven bờ sâu đến 30m nước; Điều tra, đánh giá ở độ sâu đến 500m để làm rõ tiền năng một số loại khoáng sản quan trọng, chiến lược có quy mô lớn; Tăng cường năng lực và đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, có độ chính xác cao, đáp ứng các yêu cầu về điều tra, đánh giá và độ chính xác trong phân tích mẫu địa chất, khoáng sản, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu thống nhất về địa chất khoáng sản trên phạm vi cả nước; Xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra, thăm dò địa chất - khoáng sản có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản: Đầu tư cải tạo, mở rộng đối với các mỏ khoáng sản đang hoạt động theo quy hoạch khoáng sản đã được duyệt; Đầu tư bằng ngân sách nhà nước để thăm dò một số loại khoáng sản chiến lược: urani, đất hiếm và một số mỏ khoáng sản để đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Hình thành một số cụm công nghiệp khai thác - chế biến khoáng sản tập trung cho một số loại khoáng sản chính, tăng cường đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản.
Theo đó, Nghị quyết cũng đề ra các giải pháp phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản; Đổi mới cơ chế và chính sách phát triển công nghiệp khai khoáng (về đầu tư khoa học và công nghệ, thăm dò và khai thác, chế biến khoáng sản; cơ chế chính sách tài chính; chính sách dự trữ và xuất khẩu khoáng sản; chính sách bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hoá và môi trường); Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
Định hướng, mục tiêu và giải pháp của Nghị quyết 02 nhằm nâng cao nhận thức về vai trò ý nghĩa của khoáng sản đối với sự phát triển đất nước, bảo đảm khoáng sản được quản lý, bảo vệ và khai thác, chế biến, sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu để phát triển bền vững kinh tế - xã hội từ nay đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Đồng thời điều tiết hợp lý lợi ích từ khai thác khoáng sản, bảo đảm an ninh, quốc phòng, cảnh quan, di tích, văn hóa và môi trường./.