Toàn cảnh Hội thảo
Nhận thức được vai trò quan trọng của Kiến thức bản địa trong nhiều lĩnh vực và phát triển bền vững. Người dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc có kho tàng phong phú về Kiến thức bản địa, có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngày 06/12/2013, Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông Lâm nghiệp Miền núi (ADC) thuộc trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tổ chức Hội thảo chia sẻ nghiên cứu về kiến thức bản địa của người dân tộc thiểu số phía Bắc trong ứng phó với Biến đổi khí hậu.
Tham dự Hội thảo có đồng chí Ma Trương Thiêm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Các thành viên Ban chỉ đạo kế hoạch ứng phó với Biến đổi khí hậu tỉnh Bắc Kạn; Đại diện Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội nông dân. Đại diện các phòng Tài nguyên môi trường, phòng Nông nghiệp, Hội nông dân các huyện, thị xã.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Hội thảo đã được nghe Tiến sĩ Hồ Ngọc Sơn – Trung tâm nghiên cứu và phát triển Nông lâm nghiệp Miền núi – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chia sẻ kết quả nghiên cứu kiến thức bản địa trong ứng phó Biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc. Từ đó nêu ra những kinh nghiệm sử dụng kiến thức bản địa trong ứng phó Biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số như: Biến đổi khí hậu làm cho hạn hán gay gắt, rét đậm, rét hại kéo dai hơn người dân sử dụng giống bản địa, địa phương để canh tác ví dụ trồng lúa Nếp nương, lúa bao thai, lúa đoàn kết có tính chịu hạn, chịu rét tốt, ít bệnh không dùng phân hóa học, thuốc sâu; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng; điều chỉnh lịch mùa vụ; sử dụng kinh nghiệm ứng phó trong Biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết, thiên tai: theo kinh nghiệm của người Tày nếu cây mác mật năm nào sai quả, năm đó mưa nhiều; kinh nghiệm của người Dao khi hoa xoan nở thì gieo đậu xanh..
Toàn cảnh Hội thảo
Cũng tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận và nêu ý kiến về việc lồng ghép kết quả nghiên cứu vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh năm 2015./.