Nhằm tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, người lao động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời thực hiện tốt Luật Phòng, chống thiên tai, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Quỹ phòng, chống thiên tai và ý thức tự giác đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai đầy đủ, kịp thời. Ngày 26/5/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Kế hoạch số 56/KH-STNMT Về Kế hoạch thu, nộp Quỹ phòng, chống thiên tai năm 2017.
Luật phòng, chống thiên tai bao gồm 6 chương, 47 điều. Luật quy định, thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm 19 loại hình thiên tai phổ biến: "bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần" và các loại thiên tai khác để có căn cứ pháp lý tổ chức thực hiện cụ thể và linh hoạt khi phát sinh loại thiên tai mới (như núi lửa, thiên thạch rơi, …). Việt Nam với khí hậu nhiệt đới gió mùa nằm ở một trong 05 ổ bão lớn của thế giới, hàng năm phải đối mặt với nhiều loại thiên tai xảy ra. Trong những năm gần đây, diễn biến thiên tai và thời tiết ở Việt Nam ngày càng có nhiều biểu hiện bất thường và phức tạp hơn. Biến đổi khí hậu và tình trạng trái đất ấm lên được cảnh báo sẽ làm cho thiên tai trở nên tồi tệ hơn trên phạm vi toàn cầu. Ở cấp độ quốc gia, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cùng với sự gia tăng dân số càng làm gia tăng các nguy cơ, hiểm họa trước thiên tai. Theo số liệu thống kê trong hơn 30 năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP. Thiên tai đang là nguy cơ lớn đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo kế hoạch, đối tượng có nghĩa vụ đóng Quỹ phòng, chống thiên tai là công chức, viên chức, người lao động của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn.
* Mức đóng: Căn cứ Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ ban hành quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai, có 02 mức đóng cụ thể như sau:
1. Công chức, viên chức làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường đóng 01 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp.
2. Người lao động (bao gồm lao động HĐ68 và lao động hợp đồng) đóng 15.000 đồng/người/năm.
* Đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp: Đối tượng miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ phòng, chống thiên tai theo Quy định Điều 6, Nghị định số
94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ ban hành quy định về thành lập và quản lý quỹ, phòng chống thiên tai:
1. Đối tượng được miễn đóng góp:
a) Thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sỹ;
c) Quân nhân làm nghĩa vụ trong lực lượng vũ trang, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân đang hưởng phụ cấp sinh hoạt phí;
d) Sinh viên, học sinh đang theo học tập trung dài hạn tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học, Dạy nghề;
đ) Người khuyết tật hoặc bị suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; người mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của bệnh viện từ cấp huyện trở lên;
e) Người đang trong giai đoạn thất nghiệp hoặc không có việc làm từ 6 tháng trong 1 năm trở lên;
g) Thành viên hộ gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo; thành viên thuộc hộ gia đình ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; thành viên thuộc hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ, tai nạn;
h) Hợp tác xã không có nguồn thu;
i) Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập trong năm bị thiệt hại do thiên tai gây ra về tài sản, nhả xưởng, thiết bị; phải tu sửa, mua sắm với giá trị lớn hơn hai phần vạn tổng giá trị tài sản của tổ chức hoặc phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 5 ngày trở lên.
2. Đối tượng được giảm, tạm hoãn đóng góp:
Tổ chức kinh tế hạch toán độc lập được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì được xem xét giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ.
Để công tác triển khai Luật Phòng, chống thiên tai đúng đối tượng, đúng định mức theo quy định, công khai, quản lý sử dụng theo đúng quy định hiện hành. Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng Sở tuyên truyền, vận động toàn thể công chức, viên chức, người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc đóng Quỹ phòng, chống thiên tai. Thực hiện việc thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai đúng mức và thời gian quy định.
Thời gian thu, nộp: Trước 30/9/2017 để Sở Tài nguyên và Môi trường lập báo cáo kết quả thu nộp quỹ về cơ quan quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai trước ngày 30/10/2017. Đồng thời, công khai danh sách thu, nộp Quỹ của cá nhân công chức, viên chức, người lao động bằng văn bản, niêm yết tại Sở Tài nguyên và Môi trường; công bố tại Hội nghị công chức, viên chức, người lao động./.
Chi tiết Kế hoạch số 56/KH-STNMT tại đây./.