Đ/c Nông Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Sở đã trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Ngày 04/4 tại TP. Cần Thơ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Hội thảo do Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì.
Tham dự Hội thảo còn có các Ủy viên Thường trực và Ủy viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương; trên cơ sở sự uỷ quyền của UBND tỉnh Bắc Kạn tại Công văn số 1838/UBND-NNTNMT ngày 30/3/2023, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn tham dự Hội thảo có đồng chí Nông Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và đồng chí Trương Phúc Vi, Trưởng phòng Đất đai.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà nghiên cứu trình bày các tham luận về việc thực hiện chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân tộc thiểu số; những khó khăn, vướng mắc việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; quyền tiếp cận thông tin đất đai và trợ giúp pháp lý đối với người sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn…
Đ/c Nông Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Sở đã trình bày báo cáo tham luận tại Hội thảo
Cũng tại hội thảo, theo phân công của Hội đồng Dân tộc Quốc Hội và sự uỷ quyền của UBND tỉnh, đồng chí Nông Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Sở đã trình bày báo cáo tham luận với chủ đề “Công tác quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư; đề xuất góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, trong đó đã báo cáo về công tác quản lý, sử dụng đất rừng giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân; thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với tạo sinh kế, thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư và tập trung góp ý vào một số vấn đề cụ thể đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), như sau:
- Về giải thích từ ngữ Khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại khoản 30 Điều 3 giải thích
“Khu vực quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất là khu vực không được thay đổi mục đích sử dụng đất, gồm: đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên, đất trồng lúa 02 vụ trở lên, đất quốc phòng, đất an ninh cần bảo vệ trừ những trường hợp đặc biệt quan trọng cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và các công trình hạ tầng phục vụ quản lý chặt chẽ các khu vực này”. Nếu quy định như trên sẽ mâu thuẫn với khoản 1 Điều 122 “
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua và phù hợp với quy định tại Điều 116 của Luật này. Việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.” Vì đây là nội dung đã phân cấp thẩm quyền cho HĐND tỉnh. Do đó việc quy định đất rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất trồng lúa 02 vụ trở lên thuộc khu vực
quản lý nghiêm ngặt chuyển mục đích sử dụng đất và không được thay đổi mục đích sử dụng đất, trừ những trường hợp đặc biệt quan trọng cần thu hồi đất để sử dụng vào mục đích công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định sẽ không thống nhất về thẩm quyền và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác trên thực tế, tỉnh Bắc Kạn gần 60% diện tích đất tự nhiên có hiện trạng rừng là rừng tự nhiên (gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất). Do đó nếu quy định không được thay đổi mục đích sử dụng đất và việc chuyển mục đích phải được Quốc hội cho phép thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án và sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Do đó đã có ý kiến góp ý đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa lại khoản 30 Điều 3 của dự thảo Luật theo hướng cho phép chuyển mục đích ở mức độ phù hợp và phân cấp cho cấp tỉnh quyết định, chuyển đổi mục đích đối với đất rừng phòng hộ, rừng tự nhiên sản xuất, đất trồng lúa 02 vụ trong phạm vi diện tích cụ thể.
- Tại Điều 17: Để các địa phương áp dụng và có căn cứ khi xây dựng chính sách thì Chính phủ ban hành khung chính sách cần rất cụ thể theo từng vùng, từng miền để tránh trường hợp mỗi địa phương trong cùng một vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng nhưng lại có cách áp dụng khác nhau, dẫn đến không thống nhất và lúng túng cho các địa phương.
- Tại Điều 89: Quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất: "Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" nguyên tắc này cần được quy định cụ thể và đo lường được để các địa phương có tiêu chí để áp dụng. Đặc biệt là cần định lượng được thế nào là đảm bảo thu nhập?
Việc quản lý, sử dụng đất rừng, đất có nguồn gốc nông, lâm trường như dự thảo Luật tại Điều 175 đã đảm bảo đầy đủ, phù hợp, tuy nhiên cần quy định thêm cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí về loại đất được giao là đất sạch không tranh chấp… về đối tượng được giao cũng cần có tiêu chí, tiêu chuẩn như người DTTS sinh sống tại địa phương lâu dài, không có đất sản xuất, không có thu nhập ổn định…
- Tại Điều 179: Nên có hướng mở thêm các cây trồng lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế để các địa phương tùy theo điều kiện địa hình, sinh thái mà lựa chọn kết hợp các cây trồng khác cho phù hợp; cần có quy định cụ thể trong việc xác định vị trí diện tích, tỉ lệ loài cây hàng năm được trồng kết hợp trong quá trình giao đất rừng tự nhiên, đất trồng rừng sản xuất.
- Tại Điều 121: Hiện nay việc chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa đồng thời với chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp dẫn đến thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa tạo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng đất và rừng nên việc thực hiện các công trình, dự án còn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Do đó tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nghiên cứu quy định cụ thể nội dung này.
Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, Hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra, các ý kiến tham gia đều rất giá trị, chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm, thể hiện sự quan tâm thực chất, trách nhiệm của các đồng chí đối với dự thảo Luật quan trọng có ý nghĩa, tác động lớn tới đồng bào DTTS. Đồng thời, khẳng định việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS là việc cấp thiết, vừa phải đáp ứng yêu cầu giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trong đồng bào DTTS, vừa phải hài hoà, thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật đất đai áp dụng chung trong cả nước./.