Hội nghị triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP
Sáng ngày 25/12/2021, Bộ Tài nguyên & Môi trường tổ chức Hội nghị triển khai Dự án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” và đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai trên toàn quốc.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị tại điểm cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nông Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; các đồng chí trong Ban Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, Lãnh đạo các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai các huyện, thành phố.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị
Ngày 07/01/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các Tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”. Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tăng cường hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân sử dụng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (nông, lâm trường). Đồng thời, hoàn thành việc rà soát, xác định nguồn gốc sử dụng đất, phân định ranh giới thực tế của các đối tượng đang sử dụng; xác định cụ thể phần diện tích các công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý và phần diện tích bàn giao cho địa phương; lập phương án sử dụng đất gắn với việc bảo vệ và phát triển rừng, giảm nghèo bền vững; hoàn thiện thủ tục, hồ sơ giao đất, cho thuê đất đồng bộ, thống nhất với ranh giới trên thực địa; tạo ra quỹ đất có quy mô, diện tích lớn để phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với sản xuất hàng hóa nông nghiệp quy mô lớn...
Theo báo cáo tại Hội nghị, cả nước hiện có 9.192.331 ha đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp, các Tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng. Thực hiện Đề án "tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng" tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát, sắp xếp nông, lâm trường là 2.044.243 ha. Cả nước hiện nay có 52 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh. Trong đó, có 34 tỉnh/thành phố có nhu cầu xây dựng Đề án, 18 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương còn lại báo cáo đã cơ bản sắp xếp xong nên không xây dựng Đề án mà thực hiện quản lý đất đai thường xuyên theo quy định…
Các đại biểu tại điểm cầu trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông lâm trường, được Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo thực hiện. Bộ Tài nguyên và Môi trường còn xem đây là cơ hội để triển khai đồng bộ các giải pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, hiệu quả sử dụng đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh. Chính vì vậy, những năm qua, Bộ đã nỗ lực xây dựng Đề án, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các Bộ, ngành và được Thủ tướng phê duyệt Đề án làm cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ cũng đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở Trung ương theo đúng kế hoạch đã được duyệt.
Về phía địa phương, hầu hết diện tích đất đã được các địa phương rà soát, thực hiện lập quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng chung với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương. Tuy nhiên vẫn còn nhiều diện tích chưa được rà soát chi tiết để điều chỉnh vào quy hoạch chung của địa phương hay lập phương án sử dụng đất để quản lý, nhất là phần diện tích đất các nông lâm trường bàn giao về địa phương qua các thời kỳ.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, nhấn mạnh: Vấn đề đất đai có nhiều nội dung rất quan trọng. Tuy nhiên, tại Hội nghị này Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn 2 chuyên đề “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các Công ty nông nghiệp, Công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các Tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” và “Đánh giá hiệu quả hoạt động và tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai trên toàn quốc”.
Cũng tại Hội nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai; các nội dung về thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất trên môi trường điện tử; liên thông giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế; công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm và định hướng hoàn thiện pháp luật và một số tham luận của các đại biểu các tỉnh, thành phố trao đổi, xử lý các vướng mắc về chuyên môn, nghiệp vụ, những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân ghi nhận, đánh giá cao kết quả đã đạt được trong quá trình triển thực hiện Dự án của các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ đã giao tại Quyết định 32/QĐ-TTg của Chính phủ và các nội dung yêu cầu tại Công văn số 1596/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 26/3/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn triển khai Quyết định 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2020 của Chính phủ và Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ; quan tâm bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Đề án; chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đầu mối để chủ động điều phối chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành liên quan với chính quyền các địa phương; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật về đất đai chung, đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường nói riêng cho đồng bào, người dân sinh sống tại khu vực đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Đồng thời, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các thủ tục hành chính về đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất trên môi trường điện tử; liên thông giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan thuế và công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, vấn đề xử lý tài sản bảo đảm và định hướng hoàn thiện pháp luật./.